Mâm cơm cúng ngày tết của 3 miền có gì khác biệt

Mâm cơm cúng ngày tết của 3 miền bắc, trung, nam

Mỗi dịp tết đến xuân về cũng là lúc đất trời giao thoa, nhà nhà sum vầy bên nhau. Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả và những món ăn ngon để cúng 3 ngày tết. Mâm cỗ ngày tết là nét đẹp tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa trong việc nhớ về cội nguồn, thờ phụng tổ tiên. Mỗi vùng miền trên tổ quốc lại có những nét đặc trưng riêng trong từng mâm cơm cúng ngày tết. Hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt trong mâm cỗ ngày tết của 3 miền tổ quốc qua bài viết này nhé!

Việt Nam ta vốn là một đất nước có bề dày lịch sử và một nền văn hoá đặc sắc, đa dạng. Một trong số những điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt văn hóa 3 vùng miền không chỉ là phong tục mà còn chính là những món ăn ngày Tết.

Mâm cỗ ngày Tết có ý nghĩa gì?

Vì cuộc sống mưu sinh có người thì lập nghiệp trên chính mảnh đất ông cha nhưng cũng có người phải đi làm xa xứ. Nhưng mỗi dịp tết đến thì người người đều trở về quê hương, nhà nhà lại đoàn tụ. Đúng với ý nghĩa của sự đoàn viên cùng nhau quây quần bên mâm cơm, chào đón phút giây giao thừa. Mâm cơm ngày tết luôn phải được chuẩn bị cẩn thận và tươm tất với đầy đủ các món mặn, xào, nước, khô, thậm chí cả món cả tráng miệng. Bên cạnh đó, chắc chắn không thể thiếu những món làm nên cái tết cổ truyền như bánh chưng, thịt kho, bánh tét,..

Với cuộc sống hiện đại, nên mâm cơm cúng ngày tết đã được biến tấu đi nhiều cho phù hợp với khẩu phần của các thành viên trong mỗi gia đình nhưng ý nghĩa thì không hề thay đổi. Một mâm cơm cúng đầy đủ trong ngày tết để cầu mong cho một năm mới thật sung túc, ấm no, dồi dào sức khỏe. Mỗi vùng miền sẽ đều có những mâm cỗ ngày Tết với những món ăn đặc trưng riêng nhưng dù ở miền nào đi chăng nữa thì vẫn có chung một ý nghĩa đoàn viên, thân tình đùm bọc và uống nước nhớ nguồn. Đó cũng chính là đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Mâm cơm cúng ngày tết của 3 miền có gì khác biệt

Mâm cơm ngày tết của miền Bắc

Khi tiết trời se lạnh, dọc những con phố là những hàng hoa đào, hoa lan, quất,… cũng là lúc người dân miền Bắc chuẩn bị cho một năm mới sắp sang. Với người dân Bắc, trên mâm cỗ ngày tết luôn được phối hợp hài hòa, cân đo đong đếm đúng chuẩn từ màu sắc cho đến hương vị và sự kết hợp ăn ý với các món như thịt với rau hay món khô, món nước… Đặc biệt trên mâm cơm cúng ngày tết của người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hành, gà luộc, xôi… Ngoài ra các món phổ biến khác như giò lụa hay nem rán, nộm, các món xào…Món canh thì thường là canh măng hầm xương mọc hay canh miến lòng gà…

Mâm cơm cúng ngày tết miền bắc

Những món ăn được bày biện lên mâm một cách ngay ngắn và đẹp mắt để dâng lên cúng gia tiên, thêm cút rượu nếp trắng thơm và 3 chiếc chén nhỏ. Hương hoa thơm hòa quyện với mùi hương vòng thoang thoảng, khói thức ăn nóng bốc lên nghi ngút làm không gian trong nhà trở nên ấm áp, sung túc, mọi người trong gia đình thấy ấm lòng.

Mâm cơm cúng ngày tết của miền Trung

Với đặc trưng của người dân miền Trung nên mâm cơm cúng ngày tết thường là các món ăn mặn, có thể bảo quản được lâu dài. Với các món ăn được chế biến từ như tôm, cá… là những món ăn được xem là đặc trưng trên mâm cỗ ngày tết của người dân miền Trung. Mâm cỗ luôn đa dạng, trang trọng tươm tất với mong ước đón một năm mới sung túc đủ đầy và ấm no.

Mâm cơm ngày tết miền trung

Mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết của người dân miền Trung cũng không thể thiếu bánh tét, gà luộc, nem rán, tôm rim, thịt kho tàu hay món thịt ngâm mắm… Bên cạnh đó có cả những món ăn rất đỗi gần gũi và quen thuộc như món măng xào thịt, giá xào thịt hay món mít trộn… Đặc biệt hơn, các món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Trung thiên nhiều về là những món cuốn như ram cuốn hay cuốn bánh tráng với thịt ăn kèm rau sống, bún tươi…. Ngoài ra còn có thịt luộc hay nem lụi và cá hấp,…

Mâm cơm ngày tết của miền Nam

Với khí hậu chỉ có 2 mùa nắng và mưa thì mâm cỗ ngày tết của người dân miền Nam cũng đặc biệt. Trong mâm cơm ngày tết của người dân miền Nam là hài hòa, phong phú và sự đa dạng của các món ăn. Nhắc đến mâm cỗ ngày tết của người dân miền Nam thì không thể bỏ qua món thịt kho trứng ăn kèm dưa chua, canh khổ qua và giá chua.

Mâm cơm ngày tết miền nam

Với dân miền Nam nhất là người dân miền tây thì chuộng dùng bánh tét hơn là bánh chưng. Sau đó là các món ăn khác như gỏi ngó sen, nem, giò thủ cũng không thể thiếu rồi đến phá lấu, dưa món, củ kiệu, tai heo ngâm giấm, tôm khô… Một mâm cơm thể hiện sự đầy đủ và sung túc có thể kết hợp với những món ăn lạ và độc đáo khác trong ngày tết như là cá chim hấp gừng hay là món thịt bò nhồi tỏi kho trứng cũng rất phổ biến…

Sự khác lạ giữa mâm cơm tết của 3 vùng miền tổ quốc

Với mâm cơm ngày tết của người dân miền Bắc thì có nét tinh tế và hài hoà về màu sắc cho đến cách bày trí, sắp xếp. Tất cả các món ăn đều rất đậm chất cổ truyền của người Việt Nam. Chính vì thế mâm cơm ngày tết như một nét truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài những món ăn cổ truyền dân tộc thì mâm cơm ngày tết của người miền Bắc còn xuất hiện chè kho hay mứt sen – là hai món ăn dùng để tiếp đãi khách vào ngày tết được nhiều gia đình miền Bắc ưa chuộng.

Sự khác biệt mâm cơm ngày tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam

Với mâm cơm ngày tết miền Trung thì thể hiện rõ sự mộc mạc, gần gũi và thể hiện được đầy đủ tình yêu thương, sự chia sẻ cũng giống tính cách và phẩm chất đặc trưng nổi bật của người dân miền Trung vùng ven biển. Các món ăn cuốn không chỉ được xuất hiện trên những mâm cỗ ngày Tết mà còn thường xuyên xuất hiện trên những mâm cơm hàng ngày.

Còn với mâm cơm ngày Tết của người dân miền Nam nổi bật lên là sự phong phú và trẻ trung từ tính cách con người cho tới từng món ăn. Hơn nữa bữa cơm ngày Tết còn rất đa dạng và không bị rập khuôn quá nhiều về hình thức cũng như về cách lựa chọn. Chính điều này lại khiến cho nhiều món ăn ngày tết trên mâm cỗ của người dân miền Nam thêm phần đặc biệt và mới mẻ như cá chim hấp gừng, hay các món như thịt bò kho trứng…

Tết đến xuân về là lúc nhà nhà đoàn viên, mâm cơm ngày tết không chỉ là sự gắn kết gia đình còn là tấm lòng nhớ về tổ tiên. Mỗi vùng miền đều có cách thể hiện khác nhau qua đặc trưng trên mỗi mâm cơm ngày tết nhưng đều chung một ý nghĩa về một năm mới sum vầy, ấm no và hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1