Mặc dù Châu Á vẫn còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nhưng đây luôn là “mảnh đất màu mỡ” cho những đổi mới thú vị trong ngành Ẩm thực. Một số công ty chẳng hạn như Space-F và Big Idea Ventures, đang thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm tiềm năng. Năm 2023 là năm chứng kiến sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này và thậm chí tạo ra một số xu hướng mới có tiềm năng lan tỏa ra quốc tế.
Công Nghệ In Thực Phẩm 3D
Công nghệ in thực phẩm 3D là một lĩnh vực mới nổi đáng chú ý trong ngành công nghệ thực phẩm. Máy in 3D có thể sử dụng để sản xuất nguyên liệu thực phẩm dưới dạng bột nhão hoặc gel. Công nghệ này cho phép cá nhân hóa thực phẩm theo yêu cầu về dinh dưỡng và sở thích của người tiêu dùng.
Ví dụ, công ty khởi nghiệp Anrich3D của Singapore đang nghiên cứu cách tạo ra các bữa ăn đóng gói sẵn, ăn liền có thể phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.
Công nghệ in 3D cũng có thể được sử dụng để tùy chỉnh giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và cải thiện việc tiêu thụ thực phẩm đối với những người có vấn đề về sức khỏe.
Các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu ở Châu Á đang đầu tư vào công nghệ in thực phẩm 3D với hy vọng tạo ra những sáng kiến thú vị trong lĩnh vực này và đáp ứng nhu cầu của thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng.
“Thịt” Có Nguồn Gốc Từ Thực Vật
Các nhà sản xuất thực phẩm toàn cầu đang cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường “protein chay,” một lĩnh vực có thể trị giá lên đến 140 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Các mối quan tâm về môi trường, đạo đức và sức khỏe đang thúc đẩy tạo sự bùng nổ trong ngành công nghiệp này, theo dự đoán của ngân hàng Barclay. Chẳng hạn, cổ phiếu của Beyon Meat, một nhà sản xuất bánh burger không có thịt bò, tại Mỹ đã tăng từ 25 USD lên hơn 65 USD trên thị trường chứng khoán Wall vào tháng 5, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và người tiêu dùng thích ăn chay.
Những người ủng hộ “protein chay” cũng đang đổ sức vào các thị trường mới, bao gồm châu Á, nơi nhiều người tiêu dùng có chế độ ăn giàu thịt cá. Chẳng hạn, món pad kra phao của Songpol được làm từ loại thịt lợn nhân tạo thương hiệu Omnimeat. Thịt này được làm từ đậu Hà Lan, nấm hương, gạo và đậu nành, được sản xuất bởi công ty Green Monday có trụ sở tại Hong Kong để phục vụ ẩm thực châu Á.
Đồ Uống Thế Hệ Mới
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân châu Á chuyển sang sử dụng các loại đồ uống không cồn hoặc có ít cồn. Từ Thái Lan đến Philippines, ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở khu vực này chuyển sang sử dụng phiên bản không cồn cho đồ uống yêu thích của họ để tránh những tác động có hại của rượu và bia.
Công ty Suntory Holdings đã bắt đầu sản xuất sản phẩm cocktail đóng hộp có tên Horoyoi tại Thái Lan thông qua doanh nghiệp địa phương Thai Spirit Industry. Sản phẩm này chỉ chứa 3% cồn và phổ biến ở Nhật Bản. Công ty kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất sản phẩm này ở Thái Lan và những nơi khác để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.